Ảnh Hưởng Của Stress Đối Với Làn Da

Ảnh Hưởng Của Stress Đối Với Làn Da

Ảnh hưởng của stress lên da là một vấn đề được nhiều người quan tâm. Căng thẳng hay stress phát sinh khi con người chịu áp lực về tinh thần, thể chất hoặc cảm xúc. Stress được cảm nhận bởi não và các hormone gây căng thẳng như corticotropin (CRH), glucocorticoids và epinephrine…

stress

Điều này kích hoạt một loạt các thay đổi và phản ứng sinh lý, hành vi cố gắng thích nghi với stress. Stress có thể gây ra các tác dụng sinh lý bất lợi. Một vài nghiên cứu cho thấy làn da là một trong những nơi chịu ảnh hưởng bất lợi của stress. Bài viết này sẽ chỉ ra những tác động tiêu cực của stress đối với sức khỏe của làn da.

1. Tầm quan trọng của da

Da là cơ quan lớn nhất của cơ thể, đóng vai trò rào cản và chức năng miễn dịch quan trọng. Ngoài ra, da còn giúp duy trì cân bằng nội môi giữa môi trường bên ngoài và các mô bên trong. Nó bao gồm 3 lớp chính: biểu bì, trung bì và hạ bì.

Với vai trò rào cản, da là cơ quan cảm nhận chính cho các tác nhân gây căng thẳng bên ngoài, bao gồm nóng, lạnh, đau và căng cơ. Các thụ thể trên da chịu trách nhiệm truyền các tín hiệu bên ngoài đến tủy sống, rồi đến não. Các thay đổi về nhiệt độ, pH và chất trung gian gây viêm cũng được truyền đến não. Hệ thần kinh trung ương phản ứng với các tín hiệu này rồi phản hồi ngược lại da.

Xem thêm: Một Số Mẹo Nhỏ Khắc Phục Tình Trạng Da Do Đeo Khẩu Trang

2. Ảnh hưởng của stress đối với làn da

anh-huong-cua-stress-doi-voi-da


Stress gây ra phản ứng hóa học trong cơ thể khiến da nhạy cảm và phản ứng hơn.  Tình trạng căng thẳng gây ảnh hưởng đến da chủ yếu thông qua trục hạ đồi – tuyến yên – thượng thận

Tiến sĩ lĩnh vực da liễu Joshua Zeichner làm việc Bệnh viện Mount Sinai, New York cho rằng:

“Căng thẳng không phải là bạn đối với cả tinh thần lẫn làn da”.

Tiến sĩ Whitney Bowe, New York và là tác giả của The Beauty of Dirty Skin cũng phát biểu:

“Làn da không thể nói lên sự khác biệt giữa các loại căng thẳng khác nhau – thể chất, cảm xúc, tâm lý và môi trường.”

2.1 Stress gây viêm

anh-huong-cua-stress-doi-voi-da

Theo tiến sĩ Bowe, stress càng dài càng ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa, làm chậm quá trình tiêu hóa. Một nghiên cứu gần đây cho thấy mức độ căng thẳng cao có thể ảnh hưởng đến vi khuẩn đường ruột. Việc tiêu hóa chậm làm phát triển quá mức của các chủng vi khuẩn không lành mạnh. Bên cạnh đó, sự cân bằng tự nhiên của các vi khuẩn đường ruột cũng bị phá vỡ, dẫn đến khó tiêu. Điều này làm cho niêm mạc ruột tăng tính thấm, cơ thể dễ đối mặt với tình trạng viêm. Theo nghiên cứu, khi cơ thể bị viêm, da dễ bị nổi mụn hoặc gặp phải bệnh vẩy nến, chàm.

Diễn đàn của Tiến sĩ Patel, Viện da Union Square Laser, New York lặp lại quan điểm của TS Bowe. Trong tình trạng căng thẳng, cơ thể cho rằng đang bị tấn công. Khi đó, nó sẽ hình thành các đáp ứng viêm để ứng phó sự tấn công. Các tế bào viêm được huy động, nó có thể kích hoạt một đợt bùng phát các bệnh ở da.

Có thể bạn quan tâm: Các Bước Skincare Chăm Sóc Da Mặt Cơ Bản Cho Cô Nàng Bận Rộn

2.2 Stress làm chậm lành vết thương

Theo bác sĩ Kathleen Garvey, căng thẳng quá nhiều có thể trở thành gánh nặng cho hệ thống miễn dịch.

Khi đối mặt với căng thẳng, lớp biểu bì da có thể nhanh chóng trở nên suy yếu. Khi đó, làn da tăng nguy cơ bị nhiễm trùng và ảnh hưởng từ các mầm bệnh trong môi trường. Điều này cũng làm chậm khả năng chữa lành vết thương tự nhiên của làn da.

2.3 Stress làm khô da

Bất cứ khi nào cảm thấy căng thẳng, cơ thê sẽ tăng đột biến hormone adrenaline và cortisol. Sự gia tăng adrenaline khiến cơ thể đổ mồ hôi nhiều hơn. Nó kích hoạt các tuyến mồ hôi, khiến cơ thể bị mất nước. Bên cạnh đó, cơ thể cũng đáp ứng hạ nhiệt trước stress. Nếu không bổ sung nước cho cơ thể, làn da sẽ bị khô và mất nước. Trên cơ địa dễ bị chàm, tình trạng khô da từ ảnh hưởng của stress làm bệnh tiến triển.

2.4 Stress khiến da sạm màu

Sau thời gian dài mất ngủ, làn da trắng trẻo trở nên xỉn màu và kém xinh? Điều này xảy ra là do tác hại của stress. Stress gây ra tình trạng thiếu ngủ và là một trong những nguyên nhân khiến da sạm màu.

Thiếu ngủ ảnh hưởng tới chức năng bảo vệ tự nhiên của da, làm da khô và nhạy cảm hơn. Từ đó, lớp biểu bì trở nên suy yếu và ảnh hưởng đến chức năng hàng rào bảo vệ da. Điều này đặc biệt xảy ra khi da phải tiếp xúc với ô nhiễm môi trường như hiện nay.

Có thể bạn quan tâm: Giải Nhiệt Ngày Hè Cùng Thức Uống Thanh Lọc Cơ Thể

2.5 Stress khiến da xuất hiện nhiều nếp nhăn và vết chân chim

anh-huong-cua-stress-doi-voi-da

Khi cortisol tăng cao đột ngột do stress khiến huyết áp cao, rối loạn trao đổi chất, tăng cân.  Các cấu trúc sợi collagen và elastin, nhân tố làm làn da mềm mại và đàn hồi, bị tổn hại. Ngoài ra, sự căng thẳng lên cơ cũng dẫn đến tình trạng nếp nhăn xuất hiện nhiều hơn.

Thông qua các kỹ thuật massage áp dụng lên khu vực như trán, lông mày và xương hàm dưới, các bài tập này có thể chống nếp nhăn xuất hiện, từ đó mang lại cho bạn làn da mềm mại, đàn hồi. Massage mặt bằng cây lăn bằng ngọc được làm lạnh sẽ kích hoạt hệ thống bạch huyết, làm giảm tình trạng sưng phồng và sự xuất hiện của các tổn thương trên da do stress.

2.6 Stress làm da mỏng hơn và dễ tổn thương hơn

Cortisol là hormone vô cùng quan trọng giúp chống stress, tăng cường miễn dịch và chống dị ứng. Tuy nhiên, nó lại có thể làm tăng huyết áp, đường huyết. Nó cũng gây nên sự phân hủy protein, có thể khiến da mỏng, dễ bị bầm tím và trầy xước.

Tìm hiểu thêm: Những Lợi Ích Tốt Đẹp Mà Toner Mang Lại Cho Làn Da Của Bạn

2.7 Stress làm quầng thâm “gấu trúc” và bọng mắt xuất hiện

anh-huong-cua-stress-doi-voi-da


Stress cũng gây tình trạng khó hấp thu các dưỡng chất nuôi dưỡng làn da như vitamin C, E… Điều này làm vùng da dưới mắt mất đi sự đàn hồi. Ngoài ra, căng thẳng và mệt mỏi là những nguyên nhân làm máu không được lưu thông. Da không được cung cấp đầy đủ dinh dưỡng và oxy, nhất là vùng da nhạy cảm ở mắt. Da vùng mắt sẽ trở nên khô, thiếu sức sống, nhanh lão hóa, hình thành quầng thâm.

2.8 Stress có thể làm xấu đi tình trạng da có sẵn như chàm, vảy nến

Theo Eidelman, “Hệ thống miễn dịch bị ảnh hưởng trực tiếp bởi căng thẳng” Ông lưu ý rằng căng thẳng giải phóng các hormone như cortisol và adrenaline. Các thông điệp hóa học này kích hoạt một số phản ứng sinh lý nhất định trong cơ thể. Chẳng hạn, adrenaline làm tăng nhịp tim và tăng huyết áp, và cortisol làm tăng lượng đường trong máu.

Về mặt da, khi cơ thể sản xuất quá nhiều cortisol, hệ thống miễn dịch bị suy yếu. Stress có thể kích hoạt bùng phát tình trạng da có sẵn. Ở những người bị bệnh vẩy nến, hệ thống miễn dịch phản ứng quá mức gây ra sự bùng phát. Khi đó sẽ gây ra các phản ứng viêm như chàm hoặc bùng phát bệnh vẩy nến. Căng thẳng có thể làm trầm trọng thêm tình trạng da hoặc bùng phát các bệnh lý da hiện có.

Xem thêm: Bạn Có Nên Rửa Mặt Khi Tắm Bằng Vòi Hoa Sen Không?

2.9 Stress khiến da tiết dầu nhiều hơn, dẫn đến mụn trứng cá

Khoa học đã phát hiện ra rằng căng thẳng có mối quan hệ mật thiết với mụn trứng cá, đặc biệt là đối với phụ nữ. Stress khiến cơ thể giải phóng nhiều nội tiết tố androgen và cortisol từ tuyến thượng thận. Hormone này làm tăng hoạt động của tuyến bã nhờn trên da. Mức dầu được tiết ra nhiều hơn dẫn đến tắc nghẽn lỗ chân lông và hình thành mụn trứng cá.

2.10 Stress cũng có thể gây tổn hại cho da đầu và tóc

Stress cũng ảnh hưởng không tốt đến da đầu và tóc. Theo Patel, tóc sẽ dầu hơn hoặc khô hơn bình thường trong thời gian căng thẳng. Phản ứng của mỗi người sẽ khác nhau về mức độ nghiêm trọng. Tình trạng đó còn tùy thuộc vào cách cơ thể phản ứng với sự thay đổi nồng độ hormone. Một số người có thể gặp phải tình trạng viêm da tiết bã ở da đầu và gàu. Da đầu lúc đó có thể viêm đỏ và bong da.

Trong một số trường hợp, căng thẳng thậm chí có thể dẫn đến rụng tóc. Ví dụ, khi bị bệnh nặng, cơ thể sẽ ngừng sản xuất tóc. Những ảnh hưởng của căng thẳng như vậy có thể không được chú ý cho đến nhiều tháng sau đó.

3. Bảo vệ làn da trước stress

anh-huong-cua-stress-doi-voi-da


Không có một phương pháp duy nhất nào để điều trị da bị căng thẳng.

Trong cuộc sống, không thể tránh khỏi căng thẳng hoàn toàn. Hãy thử những phương pháp sau giúp thúc đẩy làn da khỏe mạnh ngay cả trong thời gian căng thẳng:

3.1 Chăm sóc làn da ngay cả khi căng thẳng, mệt mỏi

Để khôi phục hàng rào bảo vệ da, nên lựa chọn kem dưỡng ẩm chứa glycerin và hyaluronic acid.

Thành phần chính trong các sản phẩm trị mụn trứng cá được yêu thích nhất chính là là salicylic acid. Salicylic acid có khả năng thâm nhập vào lỗ chân lông, làm sạch và khiến lỗ chân lông thông thoáng.

Để hạn chế ảnh hưởng xấu từ môi trường, cần bảo vệ da khỏi bụi bẩn, tia UV… Nên thoa kem chống nắng và mặc quần áo bảo vệ da khi ra đường.

3.2 Thực hiện các bài tập thể dục

loi-ich-cua-viec-tap-the-duc


Các bài tập điển hình gồm: tập chạy nhanh, hít thở sâu, bơi lội, nhảy… Hít thở sâu sẽ làm chậm nhịp tim và hạ huyết áp, từ đó đảo ngược tác động của stress. Tập thể dục giúp làm giảm căng thẳng, lo âu bằng cách sinh ra các hormone endorphin gây phấn chấn. Nó còn giúp cơ thể rèn luyện để đương đầu với stress.

3.3 Tập yoga hoặc thiền

loi-ich-cua-viec-tap-yoga-cho-suc-khoe


Yoga và thiền giúp kiểm soát được căng thẳng. Một vài phút thiền mỗi ngày sẽ giúp giảm lo lắng. Thiền định thay đổi đường dẫn truyền thần kinh trong não, giúp kiên cường hơn trước stress. Đặc biệt chú ý các động tác yoga vùng mặt để hạn chế nếp nhăn, vết chân chim.

3.4 Ngủ đủ giấc mỗi ngày

Đây là điều cần thiết để hạn chế cortisol. Trong lúc ngủ, làn da sản sinh tế bào mới, kích hoạt cơ chế tự sửa chữa những tổn thương. Ngủ 7 – 8 tiếng mỗi ngày là thời gian ngủ lý tưởng.

3.5 Thực hiện các động tác xoa bóp

Những động tác này giúp làm máu huyết lưu thông dễ dàng, cơ thể được thư giãn. Chú ý massage vùng mắt để máu lưu thông hiệu quả, tránh quầng thâm, nếp nhăn.

3.6 Giải tỏa stress

Trò chuyện, chia sẻ cùng người xung quanh. Có thể tìm kiếm sự hỗ trợ từ một người bạn hoặc một nhà trị liệu chuyên nghiệp.

Dành thời gian cho bản thân để làm điều gì đó yêu thích, ngay cả khi có ít thời gian.

Cười giúp bạn làm giảm lượng cortisol và làm tăng lượng endorphin trong não, khiến bạn cảm thấy vui vẻ. Điều nay còn giúp máu lưu thông lên não nhiều hơn và tăng cường chức năng hô hấp.

Xem thêm: Liệu Có Thể Sử Dụng Baking Soda Để Rửa Mặt Không?

3.7 Lựa chọn thực phẩm tốt cho cơ thể


Tránh sử dụng các thực phẩm chế biến sẵn hoặc thức ăn nhân tạo và chất tạo độ ngọt. Chọn trái cây thay đường nhân tạo, dầu ô liu thay bơ thực vật và cá thay thịt đỏ. Đường sau khi được tiêu hóa sẽ tạo liên kết với collagen, gọi là quá trình glycation. Việc mất đi collagen sẽ khiến da bạn dễ nhăn hơn.

Bên cạnh đó, tiêu thụ các thực phẩm giàu chất chống oxy hóa cũng mang lại những tác dụng tương tự.

Sử dụng các sản phẩm có gốc kẽm, hoa sala và dầu hạt lanh. Những thành phần này có khả năng giữ ẩm cho làn da và chữa lành vết thương.

Vâng, căng thẳng có thể là lý do dẫn đến những thay đổi không tốt đối với sức khỏe làn da. Những căng thẳng dù nhẹ nhưng khi tích tụ hoặc kéo dài cũng gây ảnh hưởng không tốt lên da. Trên thực tế không thể ngăn hoàn toàn căng thẳng trong cuộc sống.. Thông qua bài viết, YouMed hy vọng giúp bạn hiểu rõ hơn về ảnh hưởng của stress lên làn da.  Hãy cùng nhau bảo vệ và chăm sóc làn da trước những stress phải đối mặt nhé.

Bài viết được tham khảo từ nguồn youmed.com bởi bác sỹ Lê Ngân Cẩm Giang, chúc các bạn thành công!

Xem thêm: Tuyệt Chiêu Chăm Sóc Da Mặt Căng Bóng, Mịn Màng Cho Ngày Hè Nắng NóngNhững Thói Quen Chăm Sóc Da Đơn Giản Và Hiệu Quả Nhất 2021

← Bài trước Bài sau →